Home



 
 

 Thành bại một đời người chính là do tĩnh khí quyết định

Thành công của đời người không phải đến từ may mắn nhất thời, càng không thể có được bằng mưu mô, thủ đoạn. Người thành công nhất định phải giữ được tĩnh khí. 

Trong “Đại học”, Tử Tư viết: “Tĩnh rồi mới có thể an định. An định rồi thì mới có thể lo nghĩ. Lo nghĩ chu đáo rồi mới có thể làm được việc. (Tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc). Có thể nói, tĩnh là an định, là yên ổn, là nền móng để người ta làm thành việc lớn. 

“Tĩnh” là một loại trí huệ mà người xưa tôn sùng. Trong “Đạo Đức kinh”, Lão Tử viết: “Tĩnh vi táo quân” (Nghĩa là: Tĩnh là chủ của xao động, nóng nảy). Tĩnh có thể khắc chế được khí nóng trong tâm, cũng làm tiêu tan đi sự nóng nảy trên cơ thể người. 

Một người nếu trong tâm không tĩnh thì thực sự rất khó suy nghĩ thấu đáo vấn đề, làm người, làm việc cũng nhất định sẽ ngạo mạn, kiêu căng, xốc nổi. Người có tĩnh khí sẽ cẩn thận quan sát, nhận định tình hình, xem xét thời thế, càng dễ dàng suy nghĩ được sâu xa mà tìm được ra biện pháp giải quyết vấn đề hay hiểu được đạo lý nhân sinh. 

Quá trình hàm dưỡng tĩnh khí chính là quá trình tìm lại sự cân bằng, kiến tạo một loại hài hòa và thành tựu một nên loại cảnh giới. Có tĩnh khí mới có thể bảo trì trí óc thanh tỉnh, nhìn xa trông rộng, nhìn thấu được cái tinh thâm của trời đất và quy luật của vạn vật.

Dưỡng được tĩnh khí thì khi gặp bất kể chuyện gì đều sẽ giữ được bình tĩnh, “cử trọng nhược khinh” (nâng vật nặng như nâng vật nhẹ). Dưỡng được tĩnh khí chúng ta sẽ vô sự, bình thản và siêu việt chính mình, ngay thẳng, chính trực để xử thế.

Gia Cát Lượng từng viết thư dặn con trai: “Nết người quân tử, lấy tĩnh tu thân, lấy kiệm dưỡng đức. Không đạm bạc lập chí chẳng nên, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi. Học phải tĩnh tâm, thành tài phải học. Không học, tài chẳng rộng. Không chí, học chẳng thành” (Phù quân tử chi hành, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức, phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn. Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã, phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học). Đây chính là lĩnh hội cả đời của Gia Cát Lượng.

Bạch Long vương, nhân vật truyền kỳ của Thái Lan cũng từng nói: “Người có tĩnh khí tốt, phàm làm việc gì cũng tốt. Người thì cần học làm người, học làm người đó là việc cả đời không hết, không có cách nào tốt nghiệp được”. Làm người thì bất kể là sỹ, nông, công, thương, các thứ hạng người khác nhau, chỉ cần học tập thì đều tiến bộ. 

Tuy tĩnh khí nói ra thì dễ dàng nhưng làm được lại khó. Con người chứ đâu phải cỏ cây, cho nên ai mà có thể vô tình? Mỗi người, ai ai cũng đều có buồn vui, yêu ghét. Trong một hoàn cảnh nào đó, nhất định những cảm xúc sẽ bộc lộ ra, đây là bản sắc của con người. Tĩnh khí cũng không phải vốn sinh ra đã có, nó là kết quả của quá trình phát triển của mỗi người, cho nên có cao có thấp, ở từng người là khác nhau.

Tĩnh khí không thể cưỡng cầu, nó là định lực cần phải thông qua rèn luyện, tu dưỡng trau dồi và không ngừng học tập mới có thành tựu. Sau đây là vài cách học để rèn tĩnh khí giúp cho bạn lấy lại thăng bằng trong công việc và cuộc sống:

Học cách nhận sai

Con người thường không mấy khi tự nhận mình sai, phàm việc gì cũng đều cho rằng người khác không đúng, cho rằng bản thân là đúng. Kỳ thực, không nhận sai cũng chính là cái sai.

Có thể nhận sai với bố mẹ, anh em, bạn bè, mọi người trong xã hội, thậm chí là với con cái hoặc chính những người đối xử không tốt với mình. Nhận sai sẽ chẳng khiến bản thân mất mát hay thua thiệt điều gì, mà ngược lại còn thể hiện sự độ lượng, khoan dung. Học cách nhận sai, đó cũng là một đức tính đẹp, là một đại tu hành.

Học nhu hòa

Răng thì cứng, lưỡi thì mềm, đời người khi già, răng sẽ rụng, nhưng lưỡi thì còn, cho nên, con người thì cần học cách nhu hòa, đời người mới được dài lâu, cứng rắn quá đôi khi phải chịu thiệt. Tâm địa mềm mỏng, đó là tiến bộ lớn nhất. 

Học nhẫn nại

“Nhẫn một lúc sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Nhẫn sẽ giải quyết được mọi việc, dùng trí huệ, năng lực mà nhượng bộ, việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không. Khi nhẫn được, có thể nhận biết được thế sự đúng sai, tốt xấu, thị phi, thậm chí có thể tiếp nhận được nó.

Học cách thấu hiểu

Con người mà không có sự thấu hiểu và đồng cảm lẫn nhau thì sẽ sản sinh ra vấn đề thị phi, tranh chấp đúng sai và cả hiểu nhầm.

Học cách buông bỏ

Đời người cũng như một sợi dây thun, khi cần dùng thì căng ra, khi không dùng thì cần chùng xuống. Nếu khi cần buông xuống không buông thì cũng như ta kéo vật nặng sau lưng, chẳng thể nào tự tại được. Đời người năm tháng có hạn, biết nhận sai, tôn trọng, bao dung người khác, như thế mới có thể dung hòa, mới có thể tự tại.

Học cảm động

Nhìn thấy người khác được hưởng sự tốt đẹp, phải mừng vui như chính bản thân mình được hưởng, cần biết cảm động mỗi khi chúng ta nhìn thấy được việc tốt, người tốt. Trong mấy chục năm cuộc đời, chúng ta sẽ gặp rất nhiều điều, sự việc hay lời nói khiến chúng ta cảm động, cho nên, ta cũng cần nỗ lực làm những việc có thể khiến người khác cảm động.

Học cách không tức giận

Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy nhìn lại chính bản thân rằng ngày hôm nay mình có tức giận hay không? Nếu như bạn đúng, bạn không cần thiết phải tức giận với bất kỳ ai, còn nếu như bạn sai thì lại càng không có tư cách để nổi giận.

Đây chính là trí huệ, nhưng tiếc thay rất ít người nhìn được thông suốt vấn đề này. Và đúng như vậy, một khi tĩnh tâm lại nhìn lại mọi việc thì phát hiện ra “Tĩnh” cũng là một trí huệ. Đời người dài hay ngắn, thì thành bại cả một đời chủ yếu là do tĩnh khí quyết định!

Chân Tâm

 


| Trang Văn Học |

© 2007 hatcat79.com. All Rights Reserved.