Home




Nhật Nguyệt Đàm - Đệ  nhất  thắng  cảnh  Đài Loan


Minh Tâm


   ... Từ Đài Trung, xe đi về hướng đông nam hướng về vùng núi đồi giữa đảo. Hai bên đường là vùng nông thôn Đài Loan. Họ trồng lúa và nhiều loại trái cây, nhiều nhứt là chuối, xoài, thanh long ... Đồng thời họ cũng trồng nhiều cây cau. Dân quê Đài Loan rất thích ăn trầu cau, cả nam lẫn nữ. Có một chuyện hơi vui một chút đó là dọc đường xe ngừng ở một tiệm kia, từ trong tiệm có một cô gái ăn mặc thật sexy (bikini như đi tắm biển). Cô lên xe chào mọi người. Ai nấy đều thất kinh vì ở Đài Loan mà cũng có chuyện ăn mặc hở hang vào ban ngày hay sao. Tưởng là gái đứng đường đón khách vào buổi sáng. Té ra, cô ta bán ... cau. Ai nấy được dịp cười quá xá. Còn mấy chú trai trẻ trong đi đoàn thì bấm máy chụp hình lia lịa. Sau khoảng hơn hai tiếng đi xe, chúng tôi đã đến Nhật Nguyệt Đàm.


             Nhật Nguyệt Đàm


Đây là một cái hồ nhân tạo do người Nhựt xây đập tạo thành từ năm 1931 để làm thuỷ điện. Hồ rộng 793 mẫu, ở độ cao khoảng 750 mét so với mặt biển. Sở dĩ gọi là Nhật Nguyệt Đàm là vì nếu đứng ở trên đảo La Lỗ giữa hồ thì có thể thấy phần hồ phía đông của đảo hình bán nguyệt giống như mặt trăng và phần hồ phía tây của đảo hình tròn giống như mặt trời. Nước hồ xanh lục (giống như Hồ Gươm Hà Nội) rất đẹp.

Chúng tôi không đi chơi trực tiếp trên hồ mà chỉ đi vòng quanh hồ để thăm những thắng cảnh bên trên. Đường vòng hồ quanh co trên độ cao chừng vài chục mét so với mặt nước. Đầu tiên, xe ghé vào Văn Vũ Miếu để bà con ... nghỉ ngơi một chút, sau đó mới đi tiếp. Trong bụng tôi nghĩ : " Lạ chưa, cái chùa nầy đẹp quá, tại sao lại không ghé thăm mà lại đi đâu nữa?". Sau nầy mới biết là sẽ vô thăm bên trong trước. Khi vòng trở ra thì mới thăm chỗ nầy.

Xe chạy vòng vèo quanh hồ gần nửa tiếng sau mới tới địa điểm ngắm cảnh đầu tiên là:

 
Tháp Từ Ân (Tse En Tower): 

    Tháp nằm trên núi, cao 46 mét. Đỉnh tháp có cao độ đúng 1.000 mét so với mặt biển. Từ nơi xe ngừng phải đi bộ 570 mét theo đường dốc và bậc thang thì mới lên tới đỉnh cao hơn ở đây khoảng 200 mét. Chúng tôi đã tới đây thì cũng rán cuốc bộ lên núi mặc dù tôi rất ghét leo núi vì có bịnh cao huyết áp. Sợ leo núi sẽ mệt đứt gân máu thì lớn chuyện. Nhưng đường đi cũng lài lài mà thôi và nó uốn cong khúc khuỷu, hai bên có rừng tre trúc cũng đẹp nên không làm cho mình thấy xa và cao, nên cuối cùng thì cũng tới nơi sau gần nửa tiếng.

Mệt muốn đứt hơi, nhưng  từ trên cao nhìn xuống thì cảnh đẹp tuyệt vời. Rõ là không uổng công.

Tháp Từ Ân có 9 tầng do ông Tưởng Giới Thạch xây để tưởng nhớ công ơn của mẹ ông. Trong tháp có bậc thang xoắn ốc để ta có thể leo lên tận đỉnh và ngắm cảnh đẹp tuyệt vời của hồ Nhật Nguyệt bên dưới. Sáng nay khi xe chạy vòng hồ, tôi thấy cảnh đẹp của hồ nầy thua xa mấy cái hồ ở Việt Nam như Hồ Gươm - Hà Nội hay Hồ Suối Vàng - Đà Lạt. Bây giờ leo tới đây mới thấy mình lầm. Nhật Nguyệt Đàm xứng đáng là một danh lam thắng cảnh. Nước xanh, cây xanh, vòng quanh có núi cao bao bọc. Có ngọn cao hơn 2000 mét như Thuỷ Xã Đại Sơn (2059 mét). Giữa hồ có đảo La Lỗ. Vài chiếc thuyền bé tí đang đi lại trong hồ làm cho cảnh trí thêm nên thơ, sống động. Người ta cho biết vào buổi sáng, khi sương mù còn lãng đãng trên mặt hồ thì cảnh trí cũng rất tuyệt vời.

Tháp Từ Ân bên bờ hồ Nhật Nguyệt

Huyền Trang Tự (Hsuanchuang Temple): 

    Rời Từ Ân Tháp chúng tôi trở ra đường cũ để đi thăm chùa Huyền Trang. Đây là một chùa nhỏ, tên chùa gợi cho bạn nhớ lại chuyện Tây Du. Bởi vì chùa nầy chính là thờ đại sư Huyền Trang tức là Tam Tạng trong truyện Tây Du. Nhưng đây chính là chuyện thật không phải là chuyện hư cấu. Phía trước chùa có vẽ tranh kể lại những địa danh mà đại sư Huyền Trang (đời Đường) đã đi qua trong khắp vùng phía bắc Ấn Độ để thỉnh kinh chữ Phạn về Trung Quốc. Ông có công dịch 79 bộ kinh gồm 1.335 quyển từ chữ Phạn ra chữ Hán trong 16 năm. Ông mất năm 664. Trong chùa có thờ tượng của đại sư và những xá lợi của ông cũng như xá lợi của Phật Thích Ca.
Con người khi chết đi nếu có thiêu đốt thân thể thì chỉ để lại tro tàn. Đức Phật hay các nhà sư đắc đạo, khi thiêu sẽ để lại những hạt nhỏ như hạt trai gọi là xá lợi. Những hạt xá lợi rất nhỏ, phải dùng kiếng phóng đại mới thấy, nhưng rất cứng rắn và tồn tại hàng ngàn năm nay. Riêng xá lợi của đại sư Huyền Trang đã bị đem về Nhựt trong thời kỳ Nhựt Bổn chiếm đóng Trung Hoa. Sau nầy Quốc Dân Đảng đòi được và xá lợi quy hoàn cố quốc để được đem thờ ở đây năm 1965. (Ở Việt Nam có chùa Xá Lợi là nơi có thờ xá lợi của đức Phật và ở Vũng Tàu cũng có tháp xá lợi do Ấn Độ tặng. Ở Nam Cali có chùa Tây Lai, còn gọi là chùa Đài Loan cũng có xá lợi của đức Phật). 

Thăm xã văn hoá Đức Hoá (Te Hua Village): 

    Vùng Nhật Nguyệt Đàm là vùng núi, ở đây có nhiều dân sơn cước sinh sống. Trên đường trở ra, chúng tôi ghé thăm một làng gọi là "xã văn hoá" của vùng nầy. Tưởng là sẽ gặp dân rừng núi, thật ra, họ cũng như dân Đài Loan, đã rất văn minh, sống ở nhà gạch chớ không phải nhà sàn. Chúng tôi ghé thăm nơi bán đồ lâm sản như mật ong, rượu ... rắn, nhung hươu. Lần đầu tiên tôi thấy nhung hươu mới cắt còn tươi rói vì có máu chảy. Rờ vào cái sừng nầy thì thấy lông mịn như ... nhung. Họ bán 200 tệ một lạng. Cái sừng nầy cũng vài ký, tính ra cũng vài trăm đô la. Họ còn ngâm nhung vào trà cho bà con uống thử. Nghe nói nhung hươu rất bổ cho người già. Nhưng nhung nầy không biết từ hươu rừng hay hươu nuôi, vì theo tôi biết người ta đã nuôi hươu để lấy nhung như ở Việt Nam. Miệt Thất Sơn, Châu Đốc ngày nay đã có trại nuôi rất nhiều hươu.
 

Văn Võ Miếu (Wenwu Temple): 

Cổng vào Văn Võ Miếu


     Cuối cùng thì cũng được ghé thăm Miếu Văn Võ nơi thờ Quan Công (Võ Miếu) và Đức Khổng Tử (Văn Miếu). Sau trận động đất mấy năm trước, miếu cũ đã bị hư hại, miếu hiện nay là kiến trúc mới xây lại. Gọi là miếu chớ thật ra ở đây gồm mấy cái chùa hay đền to lớn xây bên triền đồi từ thấp lên cao. Đền nào cũng trang trí đẹp đẽ từ cột tới trần. Đền chùa Đài Loan thường dùng màu đỏ và vàng là nhiều nhất. Đặc biệt trần nhà được điêu khắc tinh xảo và sơn phủ vàng sáng sóng lánh. Ngoài sân còn có những bức phù điêu khắc hình cửu long tranh châu (ở Đài Loan nếu có điêu khắc thì hình rồng rất hay được sử dụng). Nét điêu khắc tinh xảo và còn rất .. mới. Có một nhận xét ở đây là miếu văn nằm trên cao, miếu võ nằm thấp hơn. Điều nầy phải chăng đã thể hiện tinh thần "Trọng văn khinh võ" của người xưa ? 

Khách sạn Lalu (La Lỗ) bên hồ Nhật Nguyệt:
 

    Kiến đã cắn bụng vì cũng đã hơn 1 giờ trưa, chúng tôi được đưa đi ăn trưa tại một nhà hàng thuộc về một khách sạn đẹp nhứt ở Nhật Nguyệt Đàm là khách sạn Lalu. Khách sạn nằm bên bờ hồ. Từ đây nhìn ngắm hồ từ trên cao ngược về phía Từ Ân Tháp thì phong cảnh thật hữu tình và thơ mộng. Khách sạn được thiết kế với một hồ nước nằm sát bên đường đi. Đây là khách sạn rất sang trọng, muốn ở khách sạn nầy bạn phải trả 400 đô la một đêm và phải ghi tên trước, thế nhưng bữa ăn trưa tại đây thì rất bình dân gồm có 6 món với 4 món theo kiểu "dimsum" còn hai món ngọt là sương sa và chè sâm bổ lượng. Ăn trưa mà ăn ngọt nhiều quá. Đó cũng là một sự lạ của xứ Đài Loan. 

    Ăn xong, chúng tôi theo một đường khác để tiếp tục xuôi nam về Cao Hùng. Đầu tiên chúng tôi phải đi xuống một con đèo ngoằn nghèo hơi nguy hiểm nhưng cũng khá xinh đẹp. Hai bên là vùng núi nhưng ở đây cũng trồng rất nhiều cau. Sau đó nối tiếp vào xa lộ số 3 là một xa lộ mới làm xong hồi năm ngoái. Xa lộ nầy xây cao quá. Đa số là chạy  trên cầu và nếu đắp đất thì cũng cao hơn nóc nhà dân hai bên đường rất nhiều. Có lẽ ở đây lũ lụt thường xuyên nên phải xây cao như vậy, vì xây cao thì tốn tiền rất nhiều. Dọc đường xe ghé lại một trạm nghỉ (rest area) rất hiện đại, đầy đủ tiện nghi, có hàng trăm nhà vệ sinh, và nhiều tiệm bán thức ăn, nước uống rất lớn. 

Dọc đường, bên tay phải chúng tôi lại thấy có đường xe lửa cao tốc đang xây cất sắp hoàn thành, trên các cầu xe lửa cao tốc đã thấy các đoàn xe giống như xe đầu đạn (bullet train) của Nhựt nằm xếp hàng chờ tới ngày hoạt động. Đa số, đường xe lửa cũng xây trên cầu cạn. Theo thiết kế, xe sẽ chạy với tốc độ 300 km/h. Từ Đài Loan đi Cao Hùng sẽ chỉ hơn một tiếng là tới, không phải đi 4, 5 tiếng như ngày nay. Ở đây hạ tầng cơ sở thật tốt vậy mà họ còn tiếp tục xây cất thêm, trong khi ở Việt Nam mình thì không có được một xa lộ cao tốc nào hết. Nghĩ cũng buồn. Gần tối thì tới Cao Hùng, thành phố lớn thứ hai của Đài Loan.  Thành phố Cao Hùng đã lên đèn để đón tiếp chúng tôi.

****
(Trích Á Châu Quyến Rũ - tập 1 - Minh Tâm - Viết về những chuyến du lịch qua Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, Macao, Mã Lai, Singapore, Việt Nam …
 
Sách dày 303 trang khổ 5.5" x 8.5"
Ấn phí và cước phí: Trong nước Mỹ: 15 USD, Ngoài nước Mỹ : 20 USD
Muốn có sách xin gởi check về đại diện phát hành:
Tam Trinh
3683 Hawks Dr.
Brea, CA92823
USA

Phone: 714-528-1413

 

 


| Trang Văn Học |

© 2007 hatcat79.com. All Rights Reserved.